Văn hóa nhắn tin (DM/Message)

Hi mọi người, tình cờ đọc được bài viết về văn hóa nhắn tin của chị Chi Nguyễn, founder The Present Writer, CareerPrep Team thấy…

...
Twitter
LinkedIn
nhắn tin
Tóm tắt mục lục
Đang tuyển sinh

– Khoá MARKETING TĂNG TRƯỞNG DÀNH CHO NEWBIE MARKETERS – Đi từ nền tảng đến tư duy tăng trưởng trong kinh doanh.
👉Đăng ký tại đây!

– Khoá DATA FOUNDATION FOR MARKETERS
đang mở đăng ký chính thức mùa 3. Xem thêm chi tiết!

Hi mọi người, tình cờ đọc được bài viết về văn hóa nhắn tin của chị Chi Nguyễn, founder The Present Writer, CareerPrep Team thấy khá đánh trúng thực trạng hiện nay nên muốn share để mọi người cùng tham khảo nhé!

“Bản thân mình đơn thuần là một người hay viết lách, chia sẻ trên mạng chứ không phải ngôi sao hay người của công chúng gì hết, nhưng hàng ngày mình vẫn nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm tin nhắn của mọi người trên mạng xã hội. Mọi người nhận xét, góp ý, hỏi ý kiến tư vấn… về rất nhiều chủ đề. Cho tới thời điểm này, mình vẫn trực tiếp trả lời hầu hết các tin nhắn trên mọi nền tảng.

Khi nhận được phản hồi của mình, rất nhiều bạn nói: “Em nhắn rất nhiều người nhưng không hiểu sao không ai trả lời. Chị là người đầu tiên nhắn tin trả lời em”. Vì có thâm niên dạy học nên mình tương đối kiên nhẫn và tận tâm trong việc trả lời câu hỏi.

Nhưng chân thành mà nói, có rất nhiều tin nhắn đọc xong mình thực sự không muốn trả lời hoặc không biết nên bắt đầu từ đâu. Có lẽ đó là lý do tại sao bạn nhắn rất nhiều mà ít ai hồi đáp chăng?

Dưới đây là một số lời khuyên của mình về văn hoá nhắn tin trên mạng:

1. Đừng bao giờ gửi những tin nhắn không có nội dung cụ thể

nhắn tin_1
Nguồn: Unsplash

Ví dụ: “Hi anh”, “Chị rảnh chat (nhắn tin) với em được không?”, “Em hỏi chút được không?”…Những người bạn muốn hỏi ý kiến/xin trợ giúp thường rất bận rộn, họ không dán mắt vào điện thoại cả ngày để kiểm tra tin nhắn hoặc nhắn tin với người lạ.

Vì vậy, bạn có câu hỏi nào thì nên vào đề ngay và nói cụ thể: “Chào anh/chị. Em là… Em biết anh/chị từ… Em có câu hỏi như sau mong anh/chị giúp trả lời…”.

Ngay cả khi bạn không có câu hỏi mà chỉ muốn tâm sự cá nhân. Bạn cũng nên viết hết ra, thay vì đợi phản hồi để nhắn tin qua lại như khi chat với bạn bè thông thường. Câu chuyện quá dài thì bạn có thể email thay vì nhắn tin.

2. Đừng nhắn tin với teencode, từ viết tắt, ký tự khó hiểu

nhắn tin_2
Nguồn: Unsplash

Đã bao nhiêu lần mình mở tin nhắn ra và không thể dịch nổi bạn viết gì vì quá nhiều teencode. Viết như vậy không chỉ gây khó hiểu mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đọc.

Mình có thể hơi bảo thủ trong vấn đề này một chút vì mình là người viết. Nhưng sự thật là không ai muốn trả lời một tin nhắn mà họ đọc không hiểu gì.

3. Tìm hiểu kỹ trước khi hỏi

nhắn tin_3
Nguồn: Unsplash

Trước khi nhắn hỏi ai điều gì, bạn nên làm một vài cú search nhanh xem họ đã nói về chủ đề này ở đâu chưa, mình có thể tự tìm thông tin ở đâu thay vì hỏi hay không… Bản thân mình làm nhiều nội dung ở nhiều nền tảng và mình cũng làm khá lâu rồi nên mình hiểu tìm kiếm thông tin tổng hợp không phải là dễ.

Tuy nhiên, nếu mình mới đăng một video chia sẻ cách viết tiếng Anh hôm qua mà hôm nay bạn nhắn hỏi mình nội dung y hệt: “Chị chỉ em cách viết tiếng Anh tốt đi ạ” thì rất tiếc, mình không thể trả lời bạn.

Nhưng mình đánh giá cao và rất thích trả lời những bạn những bạn đã nhắn tin như: “Em đã đọc bài của chị về chủ đề XYZ nhưng ý nhỏ này em muốn hỏi lại để nhờ chị làm rõ hơn…”; hay “Em có tìm kiếm trên trang của chị, nhưng hình như chưa thấy chị làm về đề tài này, chị có thể trả lời giúp em…”; hay “Em đã tìm kiếm Google nhưng thông tin chung chung quá, chị giải thích giúp em phần này…”

Điều này chứng tỏ bạn đã làm “homework” trước khi hỏi xin ý kiến—một cách làm không lười biếng.

4. Đề nghị có chừng mực

nhắn tin_4
Nguồn: Unsplash

Mình từng nhận rất nhiều tin nhắn nhờ làm hộ bài tập về nhà tiếng Anh, biên tập hộ bài luận, gợi ý hộ đề tài viết bài trên lớp… Những đề nghị này không chỉ trái với đạo đức giáo dục của người làm nghề như mình mà còn khiến mình cảm thấy sao các bạn nghĩ người khác rảnh rang làm việc hộ cho bạn dễ quá vậy 🤦🏻‍♀️.

Đó là còn chưa kể tới những lời đề nghị “kém duyên” như chia sẻ thông tin cá nhân (tuổi tác, cân nặng, hôn nhân…) hay yêu cầu người khác phải làm cái này, cái kia để phục vụ mục đích của riêng bạn. Những đề nghị qua tin nhắn (nhất là lần đầu) rất nên có chừng mực.

5. Tôn trọng và cảm ơn vì thời gian người khác dành cho mình

nhắn tin_5
Nguồn: Unsplash

Nếu ai đó dành thời gian bận rộn trong ngày của họ để trả lời tin nhắn, hỗ trợ bạn điều gì đó, đừng quên cảm ơn họ (kể cả khi chia sẻ của họ có giúp được bạn hay không). Đó là phép lịch sự tối thiểu ở trong mọi giao tiếp xã hội, online hay offline, qua việc nhắn tin hay trò chuyện trực tiếp.

Mình hy vọng những chia sẻ ngắn này giúp bạn hiểu hơn về văn hoá nhắn tin trên mạng — nhìn từ góc độ của một người hàng ngày nhận rất nhiều tin nhắn (và luôn cố gắng trả lời nhiều nhất có thể) ☺️.

Be Present,

Chi Nguyễn”

T.B. CareerPrep Team xin gửi lời cám ơn chân thành đến chị Chi vì bài viết vô cùng insightful này! Chắc chắc không chỉ CareerPrep Team mà còn cả các bạn đọc đều sẽ thấy mình “đâu đó” trong bài viết. Biết lỗi sai rồi, giờ mình cùng nhau khắc phục nhé? 

À ngoài ra, nếu bạn vẫn đang loay hoay trên con đường tìm việc hay tìm kiếm định hướng cho bản thân mình, hãy thử tham khảo nội dung này của CareerPrep nha!

—————————

CareerPrep – Guide people to the right job

Một platform giúp giới trẻ định hướng công việc & cung cấp insights về ngành nghề.

CO-FOUNDER CAREERPREP

Lưu Đình Hưng, hiện tại đang là Growth & Marketing Manager tại ví MoMo, với hơn 10 năm kinh nghiệm làm Marketing từ Startup, Big Corp và cả top Marketing Agency.

Career Prep là nơi Hưng chia sẻ lại các nội dung Marketing & insights về nghành nghề-ứng tuyển dành cho các bạn trẻ mới đi làm

Kết nối với Hưng & CareerPrep tại: Linkedin – Tiktok – Facebook – Group – Fanpage

Chỉ tốn 1 buổi để có ngay CV & Linkedin chuyên nghiệp trong series “ứng tuyển cấp tốc”. Tìm hiểu tại đây!

personal branding
bài viết liên quan
Các khoá học khác
error: Content is protected !!