Khi ai đó hỏi trình tiếng Anh của tôi sau bao năm đèn sách – “Begintermediate”

Chào mọi người, được biết đến bài viết về học Tiếng Anh của chị Chi Nguyễn, founder The Present Writer, CareerPrep Team thấy bài viết…

...
Twitter
LinkedIn
tiếng Anh
Đang tuyển sinh

– Khoá MARKETING TĂNG TRƯỞNG DÀNH CHO NEWBIE MARKETERS – Đi từ nền tảng đến tư duy tăng trưởng trong kinh doanh.
👉Đăng ký tại đây!

– Khoá DATA FOUNDATION FOR MARKETERS
đang mở đăng ký chính thức mùa 3. Xem thêm chi tiết!

Chào mọi người, được biết đến bài viết về học Tiếng Anh của chị Chi Nguyễn, founder The Present Writer, CareerPrep Team thấy bài viết rất hữu ích, thể hiện được sự tư duy logic về cách học tiếng Anh của chị nên muốn share để mọi người cùng tiếp thu nguồn kiến thức cực kì bổ ích này nhé!

“4 năm về trước, vào thời điểm trước khi đi du học, tôi có viết một chuỗi 3 bài viết trên blog cũ có tên là Học tiếng Anh cho người “lỡ cỡ”. Mặc dù bài viết khi đó mới chỉ được chia sẻ ở phạm vi hẹp, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ bạn đọc — nhiều người tới nay vẫn còn nhắc đến chuỗi bài viết này.

Qua 4 năm, thế giới đã có nhiều điều khác biệt, cách mọi người học tiếng Anh và nhìn nhận về ngôn ngữ này đã khác, bản thân tôi cũng có nhiều phương pháp mới để rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh của mình.

Vì vậy, tôi quyết định biên tập lại chuỗi bài viết cũ và tiếp tục đăng trên blog mới này để bạn đọc tham khảo quá trình và phương pháp học tiếng Anh của tôi — một phương pháp học cho người “lỡ cỡ”.

Thế nào là người “lỡ cỡ”? Người “lỡ cỡ” là dạng lửng lơ ở giữa, không quá kém nhưng cũng chưa đủ giỏi, biết tiếng Anh đã lâu nhưng thường thiếu hụt một kỹ năng nào đấy (ví dụ, ngữ pháp tốt nhưng văn diễn đạt kém, đọc được nhưng nói kém, nghe được cô giáo/bạn bè người Việt nói tiếng Anh nhưng không nghe được người bản ngữ…)

Chân thành mà nói, tôi không phải là người quá giỏi tiếng Anh, nhưng tôi có thể khẳng định rằng mình là người có tiến bộ rõ rệt với ngoại ngữ này. Khi mới vào học Đại học ở Việt Nam, đến mấy câu đơn giản như “Hello, my name is Chi” tôi còn ngọng nghịu, thậm chí có học kỳ còn bị điểm 0 môn Phát Âm.

Cho đến nay tôi đã hoàn toàn hoà nhập với môi trường sử dụng tiếng Anh với người bản ngữ, không chỉ nghe, nói, đọc, viết tốt bằng tiếng Anh, tôi còn tư duy bằng tiếng Anh, thậm chí ngủ mơ cũng nói tiếng Anh.

Rất nhiều người nghĩ rằng tôi học tốt tiếng Anh là vì được gia đình đầu tư đi học sớm, có chồng là người Mỹ, hay được đi học ở nước ngoài nhưng những điều này đều không hoàn toàn đúng. Tiếng Anh của tôi phần lớn là tự học, gia đình tôi cũng không có điều kiện cho tôi đi học trung tâm Anh ngữ từ bé, và tôi cũng phải đạt được một trình độ nhất định để đi du học, chứ không thể đợi đến lúc sang tới nơi mới bắt đầu học tiếng Anh.

Vì đã trải qua nhiều khó khăn để tự học, tôi rất hiểu nỗi khổ của các bạn học tiếng Anh phổ thông bao năm toàn ngữ pháp, dẫn đến “câm, điếc” khi giao tiếp với người nước ngoài, hay không có điều kiện học trung tâm hay đi du học để luyện tập nói tiếng Anh. Bài viết dưới đây là một số phương pháp tôi áp dụng để cải thiện trình độ tiếng Anh “lỡ cỡ” của mình.

Đẩy tiếng anh

từ sách vở ra đời sống

Khi còn đi học và đi dạy tiếng Anh tại Việt Nam, tôi nghe rất nhiều học sinh và phụ huynh phàn nàn về cách học “chay” ở các trường phổ thông chỉ chuyên về ngữ pháp, ít luyện tập nghe-nói, khiến học sinh trở nên “câm, điếc” tiếng Anh và có tâm lý “sợ” khi phải đối thoại với người nước ngoài. Hơn ai hết, tôi hiểu khó khăn của học sinh và phụ huynh Việt Nam nhưng thực tâm tôi nghĩ than phiền không thể giải quyết được vấn đề.

Quan điểm của tôi là: Nếu không có sẵn môi trường nói tiếng Anh, ta tự tạo ra môi trường nói tiếng Anh cho mình! Thay vì ngồi đó phàn nàn rằng tiếng Anh được học chỉ nằm trên sách vở, tại sao ta không tự mình đưa tiếng Anh từ sách vở ra đời sống?

1. Dùng truyền thông làm phương tiện

tiếng Anh
Nguồn: Unplash

 

So với thời kỳ tôi bắt đầu học tiếng Anh và thậm chí so với thời điểm 4 năm trước khi tôi bắt đầu viết về đề tài này, đã có hằng hà sa số các phương tiện truyền thông miễn phí/giá rẻ mới được tạo ra để mọi người học tiếng Anh.

Đã qua rồi cái thời kỳ mà chỉ 1-2 đứa trong lớp nhà có mạng Internet hay có truyền hình cáp, cũng qua rồi cái thời kỳ phải mua thẻ đọc thư viện “Tây” để được nghe CNN và nghe người bản ngữ nói chuyện. Nếu bạn có thể truy cập Internet để đọc bài viết này, không có lý do gì bạn không thể học tiếng Anh!

Truyền hình cáp/Youtube là phương tiện tôi từng sử dụng nhiều nhất để học tiếng Anh. Khi mới vào Đại học, tôi phát hiện ra các bạn nói tiếng Anh hay trong lớp — những người phát âm chuẩn, lên xuống, uốn lưỡi, nhả hơi đúng giọng Anh-Mỹ, Anh-Anh, hay Anh-Úc— đều rất hay cập nhật âm nhạc hoặc phim ảnh nước ngoài. Sau một thời gian lân la dò hỏi, tôi mới biết các bạn này thay vì ngày đêm cày cuốc tiếng Anh “chay” như tôi thì dành thời gian xem các kênh truyền hình cáp (như MTV, HBO) rồi sau này làm Youtube để vừa giải trí vừa học tiếng Anh.

Cách học này không những vô cùng nhàn hạ, không áp lực, lại rất hiệu quả vì vừa tăng kỹ năng ngoại ngữ, vừa học được văn hoá nước ngoài (bao gồm cả tiếng lóng, thành ngữ, tục ngữ…).

Rất khó để ngồi hàng giờ đồng hồ khoanh tay ngay ngắn trên bàn để học tiếng Anh nhưng 3-4 tiếng xem phim hay nghe nhạc tiếng Anh có thể trôi qua rất nhanh.

Tôi còn nhớ chỉ sau khoảng 1-2 tháng xem mấy kênh như MTV, HBO, Star Movie, Discovery Channel … khả năng nghe – nói tiếng Anh của tôi tiến bộ rõ rệt. Vài tuần đầu, sự tiến bộ là rất chậm và không rõ nét, nhưng sau dần, các âm, từ, câu nói tiếng Anh dần “vỡ” ra – đó là khi tôi kết nối được từ vựng trên giấy với cách phát âm chuẩn trên tivi (kết nối này là rất quan trọng đối với những người “lỡ cỡ” mới chỉ biết tiếng Anh “chay”).

Mặc dù không có ai luyện tập nói cùng, một cách vô thức, tôi cũng lặp lại thành lời những từ ngữ và câu hội thoại, dần luyện cho mình âm giọng chuẩn. Ngay cả thầy cô và bạn bè học cùng lớp cũng rất ngạc nhiên về tiến bộ của tôi, và càng nhận được nhiều lời động viên, tôi lại càng tự tin nói nhiều hơn, nghe nhiều hơn, và luyện tập nhiều hơn.

Cuối năm thứ nhất Đại học, từ chỗ “Hello” còn ngượng nghịu, tôi đã nói được tốt tiếng Anh giao tiếp, và đến năm thứ hai Đại học, tôi đã thuyết trình được bằng tiếng Anh ở những hội nghị quốc tế lớn ở nước ngoài. Nói ra thì không ai tin nhưng phần lớn kết quả đó là nhờ những đêm trùm chăn, ăn vặt, cày phim nước ngoài :).

Tuy nhiên, xem TV/Youtube để học tiếng Anh và xem để giải trí thuần tuý là rất khác nhau! Để học tiếng Anh, tôi thường nhìn vào màn hình, vào diễn viên/người nói nhưng không đọc phụ đề. Đoạn nào nghe thấy từ lạ hoặc cách diễn đạt mới, tôi mới liếc nhanh xuống phụ đề. Có những phim hoặc chương trình về Khoa học, Vật lý khó hiểu thì tôi thường xem phụ đề tiếng Anh rồi ghi và tra lại nếu gặp từ mới.

Tôi còn thường xem VTV4 bằng cả tiếng Anh (phụ đề tiếng Việt) và tiếng Việt (phụ đề tiếng Anh) để học cách diễn đạt nội dung song ngữ. Phát thanh viên người Việt của VTV4 thường là những người nói tiếng Anh tốt, giọng êm ái, âm chuẩn mực – rất đáng để học tập. Tôi cũng thường xem talkshow của những người dẫn chương trình hàng đầu thế giới như Oprah Winfrey hay Ellen Degeneres trên Youtube để học cách họ gợi mở câu chuyện và sử dụng ngôn ngữ một cách duyên dáng để đùa (joke) với người đối diện – hiểu được cách nói đùa này rất hữu ích để hoà nhập vào văn hoá phương Tây.

Một điều đáng ghi nhớ là không nên sa đà quá sâu vào việc xem TV/Youtube, trong mọi trường hợp, việc học vẫn nên đặt lên trên yếu tố giải trí. Nếu bạn cảm thấy khó để “dứt” ra khỏi màn hình, tôi khuyên nên đặt đồng hồ 1-3 tiếng một lần để nhắc bản thân tắt máy và nghỉ ngơi.

Ngày nay, khi đã sử dụng thành thạo tiếng Anh, tôi thường nghe podcast (một dạng như radio). Trái với TV/Youtube nặng về hình ảnh, podcast tập trung vào âm thanh, giúp tăng tính tập trung hơn, và gợi mở nhiều suy nghĩ có chiều sâu hơn là thuần giải trí. Bất kỳ ai có mạng internet cũng có thể nghe podcast miễn phí, có rất nhiều podcast hay bằng tiếng Anh về đủ mọi chủ đề. Podcast tôi yêu thích nhất là Optimal Living Daily về cuộc sống – rất nhiều bài viết trên blog được lấy cảm hứng từ podcast này (nếu bạn thích đọc The Present Writer, chắc chắn bạn sẽ thích Optimal Living Daily).

Việc nghe podcast hay radio bằng tiếng Anh không chỉ giúp tăng kỹ năng nghe tập trung mà còn mở rộng thêm kiến thức về cuộc sống và văn hoá nước ngoài. Tôi có thói quen nghe podcast trên điện thoại di động (bằng Podcasts app), tôi nghe bất cứ lúc nào rảnh rỗi ngồi một mình như khi đang trên xe buýt, đi bộ, làm việc nhà, tập thể dục… Cách “học” này thực sự rất đơn giản, nhẹ nhàng, mà hiệu quả.

2. Sử dụng tốt công nghệ

tiếng Anh
Nguồn: Unplash

 

Thời đại smartphone hiện nay đã mở ra cả một chân trời mới đối với việc học tiếng Anh. Nhưng liệu chúng ta có đang sử dụng tốt công nghệ để phục vụ việc học?

Tôi còn nhớ chiếc điện thoại đầu tiên tôi được sử dụng là chiếc Samsung cũ, chỉ có tính năng nghe, gọi, và ghi âm. Ngay khi đó, tôi đã tận dụng triệt để tính năng ghi âm này để thu lại giọng đọc tiếng Anh của mình, nghe đi nghe lại, nói đi nói lại để sửa phát âm cho thật chuẩn. Ngày nay, có nhiều app điện thoại có tính năng tự phát hiện lỗi phát âm sai và sửa cho người học một cách đơn giản mà chính xác. 

Cũng qua rồi thời kỳ lúc nào cũng cầm kè kè quyển sổ từ điển mà tra cứu đến toét mắt hay phải thèm thuồng nhìn bạn học có “kim từ điển” bỏ túi. Tất cả các loại từ điển thông dụng Anh-Anh, Việt-Anh, đồng nghĩa, tục ngữ… đều thu bé lại trong apps điện thoại di động, chỉ cần một cú chạm tay là có thể mở ra cả kho tàng kiến thức.

Ngoài ra, những ứng dụng thông minh (và hoàn toàn miễn phí!) như Grammarly cũng giúp cho người dùng sửa lỗi sai chính tả, ngữ pháp, đặt câu ngay khi đang viết. Đây là một trong những công nghệ mà khi còn đi học tôi có nằm mơ cũng không thấy. 

Bởi vậy, nếu bạn muốn bắt đầu học tiếng Anh, khỏi phải tìm kiếm gì đâu xa, nhìn ngay vào chiếc điện thoại, máy tính mình đang dùng hàng ngày. Sử dụng tốt công nghệ là cách học tiếng Anh hiện đại nhất và giản tiện nhất!

3. Làm công tác xã hội với người nước ngoài

tiếng Anh
Nguồn: Unplash

 

Từ những năm đầu học Đại học, tôi đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, liên tục đến tận khi đã đi làm. Tôi từng có thời làm tình nguyện hăng say, quên ăn quên ngủ, lúc nào cũng khát khao được đi thật nhiều, làm thật nhiều, sống một cuộc sống gấp nhưng giàu ý nghĩa để giúp mọi người. Trong quá trình này, tôi làm quen được nhiều bạn nước ngoài sang Việt Nam làm tình nguyện, du lịch thiện nguyện, và học tiếng Việt. Làm việc cùng các bạn làm dày thêm vốn tiếng Anh của tôi rất nhiều và cũng dạy cho tôi thêm nhiều điều về văn hoá nước ngoài.

Đối với các bạn sinh viên đang tự học và muốn nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình, làm công tác xã hội với người nước ngoài là một cơ hội tuyệt vời. 

  • Thứ nhất, bạn có thể thực hành tiếng Anh rất nhiều mà không mất phí, thậm chí còn được biết ơn (ví dụ, qua việc dịch hộ người nước ngoài, đưa các bạn đi thăm quan…). 
  • Thứ hai, bạn làm được một công đôi việc, vừa giúp được cho người khác qua hoạt động thiện nguyện, vừa trang bị cho mình ngoại ngữ và văn hoá nước ngoài (theo cá nhân tôi là hiệu quả hơn nhiều với việc phải lang thang ở Bờ Hồ hay các khu phố Tây để bắt chuyện với người lạ).
  •  Thứ ba, những người ngoại quốc đến Việt Nam để làm tình nguyện đa phần là người tốt, nhiệt tình, cởi mở, và chan hoà – họ là những người đồng hành thực sự thú vị. 

Tôi vẫn còn nhớ dự án đầu tiên tôi tham gia với người nước ngoài là phiên dịch cho 2 bạn tình nguyện viên người Scotland và Canada, mỗi người có một âm giọng (accent) khác nhau và đôi khi rất khó để hiểu được cả hai. Với vốn tiếng Anh còn hạn chế của mình, khi đó tôi cố gắng nghe kỹ cách họ phát âm, chủ động hỏi lại ngay khi có gì không hiểu, và so sánh cách họ nói với cách phát âm của mình để học hỏi thêm.

Sau vài tháng làm việc cùng 2 bạn, kỹ năng nghe và nói của tôi tăng lên rõ rệt, tôi bắt đầu phân biệt được các âm giọng khác nhau và thích “nhại” theo cách nói của mọi người từ nhiều đất nước nói tiếng Anh khác ngoài Mỹ. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi tình cờ nghe được giọng người Scotland trên đường, tôi lại mỉm cười. Thật ấm áp khi nghĩ về những năm tháng tuổi trẻ rong ruổi trên đường làm tình nguyện, làm quen với bạn bè khắp năm châu, học tiếng Anh “đường phố”, và lặng thầm nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của mình.

Be Present,

Chi Nguyễn.”

T.B. CareerPrep Team xin gửi lời cảm ơn chân thành đến chị Chi vì bài viết vô cùng insightful này! Chắc chắc không chỉ CareerPrep Team mà tất cả các bạn cũng sẽ cảm thấy bản thân mình “đâu đó” trong những người “lỡ cỡ” này. Bây giờ, nhờ bài viết mà chúng ta đã biết thêm nhiều điều mới, khơi lại động lực và hứng thú để đi tình nguyện, đi ra ngoài và khám phá nhiều hơn để chiến thắng bản thân trong con đường chinh phục tiếng Anh.

Ngoài ra, nếu bạn vẫn đang loay hoay trên con đường tìm việc hay tìm kiếm định hướng cho bản thân mình, hãy thử tham khảo nội dung này của CareerPrep nha!

—————————

CareerPrep – Guide people to the right job

Một platform giúp giới trẻ định hướng công việc & cung cấp insights về ngành nghề.

CO-FOUNDER CAREERPREP

Lưu Đình Hưng, hiện tại đang là Growth & Marketing Manager tại ví MoMo, với hơn 10 năm kinh nghiệm làm Marketing từ Startup, Big Corp và cả top Marketing Agency.

Career Prep là nơi Hưng chia sẻ lại các nội dung Marketing & insights về nghành nghề-ứng tuyển dành cho các bạn trẻ mới đi làm

Kết nối với Hưng & CareerPrep tại: Linkedin – Tiktok – Facebook – Group – Fanpage

Chỉ tốn 1 buổi để có ngay CV & Linkedin chuyên nghiệp trong series “ứng tuyển cấp tốc”. Tìm hiểu tại đây!

personal branding
bài viết liên quan
Các khoá học khác
error: Content is protected !!